Lễ vật mâm cúng rằm, mùng 1 hằng tháng gồm những gì

Xã hội càng phát triển, cuộc sống càng bận rộn về vật chất thì nhu cầu tinh thần của con người càng tăng cao, trong đó có nhu cầu thờ cúng tâm linh. Vậy mâm cúng rằm mùng 1 và 15 hằng tháng cần chuẩn bị lễ vật gì? 

Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ cúng rằm, mùng 1 hằng tháng

Theo nhiều nguồn tài liệu ghi chép, nghi thức hay tục cúng rằm, mùng 1 hằng tháng tại Việt Nam có nguồn gốc lâu đời và chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của 3 nguồn gốc tôn giáo là: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (Lão). 

Theo đó, ngày mùng 1 hằng tháng được gọi là ngày Sóc. Còn ngày 15 được gọi là ngày Vọng.

Lý giải tên gọi và hàm nghĩa:

  • Từ “Sóc” nguyên nghĩa có hàm nghĩa là sự bắt đầu, khởi đầu. Ngày mùng 1 trong mỗi tháng là ngày đầu tiên, khởi đầu 1 tháng cho nên gọi là ngày Sóc
  • Ngày 15 âm lịch hằng tháng (cách gọi dân gian là ngày rằm) là ngày Vọng, có nghĩa là nhìn xa trông rộng. Về mặt tự nhiên thì đây cũng là thời điểm mà mặt trăng và mặt trời nằm ở 2 cực đối nhau – xa nhất trong tháng.

Trong thế giới quan Phật giáo, 2 ngày sóc và vọng là 2 ngày thanh tịnh nhất trong tháng. Do vậy những người chịu ảnh hưởng của thế giới quan này, trực tiếp là những tu sĩ, Phật tử sẽ làm lễ ăn chay, sám hối, cầu nguyện điều thiện và điều lành vào 2 ngày này.

Còn trong thế giới quan của Nho giáo và Đạo gia, 2 ngày này được xem là ngày thiên địa khai thông, do đó thần linh, tiên giới và ông bà tổ tiên đã khuất có thể chứng giám lòng thành của con người qua lễ vật cúng dường. Đồng thời, ma quỷ gây hại cũng vì thế mà không ám chướng.

Ngoài ra, 2 ngày sóc và vọng còn mang ý nghĩa là ngày “cát tường”, tức là ngày đẹp, ngày tốt.

Tại Việt Nam, ngày rằm và mùng 1 hằng tháng với những nguồn gốc và ý nghĩa như vậy chính là ngày con cháu sẽ chuẩn bị lễ vật thờ cúng để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất, cầu mong những điều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống hiện tại và tương lai (các ngày còn lại trong tháng).

Mâm cúng mùng 1 và rằm hằng tháng cần chuẩn bị như thế nào, gồm những lễ vật gì?

Mâm cúng với những lễ vật đơn giản cho ngày rằm, mùng 1 hằng tháng

Trong thực tế, nếu không phải là ngày rằm, mùng 1 của những tháng quan trọng, tháng đặc biệt hay có sự kiện với từng gia chủ, bạn chỉ cần sắp 1 mâm lễ chay đơn giản để làm lễ thành cúng thành tâm cho ngày rằm, mùng 1 hằng tháng.

Để chuẩn bị lễ vật đơn giản cho mâm cúng rằm, mùng 1 hằng tháng gia chủ có thể sắp 1 số lễ vật cơ bản là:

  • Hương cúng: Mâm cúng rằm, mùng 1 hằng tháng có bản chất là thờ cúng gia tiên, tổ tiên, do đó lễ vật bát hương thường có sẵn và chỉ cần chuẩn bị hương cúng là hương mới, có mùi thơm nhẹ, số thẻ hương cúng sẽ tùy thuộc vào mong cầu của từng người với những ý nghĩa không giống nhau (thường sẽ thắp 3 thẻ).
  • Đèn cúng: Chuẩn bị lễ vật 2 cây đèn cầy, đặt ở 2 bên bát hương cúng. Nếu không có đèn cầy thì có thể thay thế bằng 2 cây nến rồng phụng đỏ.
  • Nước sạch: Sắp 5 hoặc 6 chén nước sạch. Nếu là 5 chén sẽ xếp theo hình ngũ giác đại diện cho ngũ hành tương sinh. Nếu sắp 6 chén sẽ xếp ở 2 bên bát hương mỗi bên 3 chén.
  • Trầu cau: Trầu cau tươi sắp theo số lẻ. Lễ vật trầu cau tươi truyền thống sẽ là 1 lá trầu tươi và 1 trái cau tươi để cả vỏ, cuống và tóc cau. Ở những gia đình truyền thống thường sẽ quét 1 chút vôi trắng vào đuôi lá trầu.

Hiện nay để đẹp mắt hơn lễ vật trầu cau, người ta cũng có thể chuẩn bị 3 lá trầu và 3 quả cau xếp thành hình bông hoa.

Lưu ý: Trầu và cau dùng khăn sạch, mới, lau sạch bụi bẩn, không nên rửa vì theo quan niệm dân gian, việc rửa các lễ vật trước khi thờ cúng sẽ làm giảm đi tài lộc.

  • Hoa tươi: Số bông cắm bắt buộc là số lẻ. Gia chủ có thể chọn hoa cúc vàng hoặc hoa đồng tiền đều được, và đặt ở hướng Đông.
  • Trái quả: Chuẩn bị 1 đĩa trái quả tươi, lau thật sạch từng quả chứ không đem rửa với nước. Nếu có điều kiện có thể chuẩn bị lễ ngũ quả với 5 loại trái cây tươi khác nhau. Nếu không có điều kiện có thể chuẩn bị 1 hoặc 3 quả.

Lưu ý: Không nên sắp quả vú sữa và quả măng cụt (với quan niệm tên gọi của loại trái quả này không được đẹp)

Mâm cúng đầy đủ cho lễ cúng rằm, mùng 1

Trong 12 tháng của 1 năm, có 1 số ngày rằm và ngày mùng 1 đặc biệt quan trọng, ví dụ như ngày rằm tháng Giêng (làm lễ Cầu phúc), rằm tháng 2 (lễ Phật nhập niết bàn), rằm tháng 4 (lễ Phật Đản), rằm tháng 7 (lễ Vu Lan báo hiếu) và rằm tháng 10 (lễ Hạ nguyên).

Ngoài ra, những gia đình làm việc lớn, làm kinh doanh hoặc có sự kiện quan trọng nhất định sẽ làm lễ lớn vào ngày rằm và mùng 1 của tháng đó.

Phần lễ chính, bao gồm:

  • Hương cúng: Đây là lễ vật bắt buộc mà bất kỳ mâm cúng nào cũng phải có, từ cúng tổ tiên đến cúng cầu may vì được xem là phương tiện khai thông tam giới, kết nối thế giới trần với thế giới âm, thế giới trần và tiên giới, từ đó có thể truyền tải lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên cũng như chư vị thần linh, hương linh.
  • Đèn: Đối với lễ cúng rằm, mùng 1 lớn, tốt nhất là nên chuẩn bị đèn cầy. Chuẩn bị 2 cây đèn cầy đặt 2 bên bát hương.
  • Nước: Nước lọc sạch, chuẩn bị 5 chén hoặc 6 chén. Nếu là 5 chén xếp hình ngũ giác, còn 6 chén xếp chia đôi xếp 2 bên bát hương, mỗi bên 3 chén đều nhua.
  • Rượu: 1 bình rượu nhỏ, tương tự số chén nước có thể sắp 5 chén hoặc 6 chén đều được
  • Trầu cau tươi: Sắp 1 đĩa trầu cau tươi theo số lẻ, 1 hoặc 3. Nếu là 1 quả cau, 1 lá trầu sẽ xếp theo trật từ truyền thống, lá trầu bên dưới, trái cau bên trên. Nếu là 3 quả cau, 3 lá trầu sẽ xếp theo trật tự hình bông hoa, cuống hướng vào trong đẹp mắt.

Phần lễ mặn, bao gồm:

  • Xôi nếp: 1 đĩa. Xôi nếp có màu hoặc xôi nếp trắng, xôi đậu xanh đều được
  • Cơm tẻ: 1 bát lớn, có đặt 1 thìa hoặc muỗng nhỏ trong bát cơm
  • luộc: 1 con và phải là gà trống, đặt 1 đĩa và đặt cạnh xôi
  • Giò lụa: 1 đĩa cắt khoanh và chẻ miếng tam giác hoặc tạo hoa tùy thích
  • Món canh: Canh củ, quả
  • Món xào: Không xào với tỏi
  • Mâm lễ tam sinh: Mâm lễ tam sinh hay còn gọi là tam sanh, là 3 lễ vật đại diện cho 3 loài sinh sống ở 3 không gian khác nhau – dưới nước, trên không và trên cạn. Thường thì 3 lễ vật này sẽ là 1 miếng thịt lợn luộc (chọn phần thịt 3 chỉ ngon, không thái miếng), 1 quả trứng gà luộc và 1 con tôm luộc (hoặc cua hấp).
  • Bát, đũa, thìa sạch: Mỗi loại 7 cái (đũa là 7 đôi)

Phần lễ chay, bao gồm:

  • Hoa tươi: Lễ vật hoa trong cúng rằm mùng 1 và 15 hằng tháng thường là hoa cúc đại vàng, cắm theo số bông lẻ. Ngoài ra cũng có thể sắp lễ hoa đồng tiền. Vị trí đặt bình hoa cúng rằm và mùng 1 ở hướng Đông.
  • Trái quả: Chuẩn bị 1 lễ ngũ quả đầy đủ gồm 5 loại trái (theo đặc trưng của từng vùng miền. Ví dụ lễ ngũ quả ở miền Bắc: Chuối (màu xanh, tượng trưng cho hành Mộc có ý nghĩa về sự no đủ), bưởi (màu vàng, đại diện cho hành Kim, có ý nghĩa về sự bình yên, an nhàn), quả na hoặc quả lê (màu trắng, đại diện cho hành Thủy, tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi), quả lựu (màu đỏ, tượng trưng cho mệnh Hỏa, có ý nghĩa về sự sung túc, đầy đủ) và quả hồng xiêm (đại điện cho hành Thổ, có ý nghĩa về sự cát tường).

Ngoài ra, gia chủ cũng có thể sắp lễ quả với những màu sắc tương tự.

  • Xôi chè: Sắp 5 lễ xôi chè, có thể là chè trôi nước ngũ sắc hoặc chè đậu xanh
  • Bánh kẹo: 1 lễ bánh kẹo lớn, bao gồm nhiều vị khác nhau, nên là 5 – 7 vị
  • Oản đỏ: Lễ oản xếp hình tháp, sắp theo số lẻ

Phần lễ vàng mã, bao gồm:

  • Quần áo giấy
  • Tiền vàng

Lễ tiền trần

Là tiền mà người trần vẫn sử dụng hằng ngày với các mệnh giá tiền lẻ (chất liệu giấy), có thể cài xen vào lễ ngũ quả hoặc đặt thành đĩa riêng.

Cũng có những gia đình hiện nay quan niệm mệnh giá tiền có tỷ lệ thuận với thành tâm, nên có thể sắp lễ tiền có mệnh giá lớn hơn đặt lên bàn thờ.

Hướng dẫn cách thắp hương cúng rằm, mùng 1 hằng tháng

Theo quan niệm dân gian, thắp hương luôn là số lẻ với 2 ý nghĩa:

  • Ý nghĩa tượng trưng số lẻ là tượng trưng cho phần âm.
  • Ý nghĩa số lẻ là sự sinh sôi, phát triển.

Chi tiết về số nén hương cắm lên bát khi thờ cúng, tùy vào nghi thức mà có thể cắm từ 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương với những ý nghĩa cụ thể là:

  • Khi thắp 1 nén hương lên bát hương để thờ cúng: Mang ý nghĩa là cầu bình an
  • Khi thắp 3 nén hương: Cầu xin ông bà tổ tiên và thần linh bảo vệ, xua đuổi tai ương
  • Khi thắp 5 nén hương: Thường trong các lễ của thầy pháp với chức năng dự báo hoặc kêu gọi thần linh
  • Khi thắp 7 nén: Trong các nghi thức đặc thù dùng để kêu gọi thiên binh thiên tướng
  • Thắp 9 nén: Trong các nghi thức lễ cúng, tập tục thờ mang tính quốc gia, tập thể hướng đến những ý nghĩa cho cộng đồng 

Chuẩn bị mâm cúng đi chùa mùng 1 hằng tháng đơn giản

Ngoài mâm cúng tại gia đình, những người (gia đình) có tâm thế sống với những tư tưởng, nhân sinh quan Phật giáo sẽ đi chùa vào mùng 1 hằng tháng để đạt tâm thanh tịnh, cầu bình an với mâm lễ vật chay đơn giản:

  • Hoa tươi: 1 bó
  • Trái quả: Lễ ngũ quả nhỏ
  • Bánh kẹo: 1 lễ bánh kẹo có thể gồm 1 hoặc 3 loại kẹo
  • Tiền trần

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về lễ vật trong mâm cúng rằm, mùng 1 hằng tháng. Ngoài việc tự chuẩn bị lễ vật, gia chủ cũng có thể tham khảo và đặt dịch vụ cung cấp mâm cúng, mâm cúng rằm, mùng 1 hằng tháng trọn gói tại NauTiecNhanTam qua website: https://nautiecnhantam.com/ dịch vụ uy tín về chất lượng và giá thành.